Nhà phố là gì? Đặc điểm của nhà phố

  

Nhà phố là gì?

Nhà phố hay nhà ống là loại nhà có mặt tiền hẹp và chiều dài cũng khá khiêm tốn. Những ngôi nhà phố ngày nay thường xây rất nhiều tầng xếp lên nhau, vừa tận dụng làm nơi ở vừa để kinh doanh.

Lối kiến trúc này đặc biệt phổ biến ở các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Cần Thơ…

Tại sao thiết kế nhà phố lại được xây dựng nhiều ở thành thị?

Khi dạo quanh các thành phố, dù là ở các phường đông đúc cho đến các con hẻm nhỏ thì bạn cũng dễ dàng thấy được các căn nhà phố xuất hiện ở mọi nơi. Vậy từ bao giờ mà người Việt ta lại áp dụng lối kiến trúc này vào thiết kế nhà ở của mình?

Quay trở lại thời Pháp thuộc, người ta nói rằng thuế nhà đất được tính dựa trên diện tích mặt tiền. Sau đó, nếu thu hẹp mặt tiền hóa ra lại là một giải pháp tốt để cắt giảm thuế. Và đó chính là nguyên nhân ra đời của kiểu kiến trúc truyền thống này.

Tuy nhiên, nhà phố ngày nay vẫn được sử dụng vì nhu cầu thiết thực của con người. Trong thời kỳ hiện đại khi các đô thị dày đặc và giá đất liên tục tăng không ngừng, việc tìm kiếm giải pháp nhà ở cho hàng triệu người thực sự quan trọng. Do đó, nhà phố cao tầng là một lựa chọn tối ưu để cung cấp chỗ ở cho nhiều người.

Hơn nữa, người Việt chúng ta biết cách tận dụng triệt để những căn nhà phố để kinh doanh. Truyền thống buôn bán nhỏ lẻ của các hộ gia đình là một câu trả lời khác cho câu hỏi tại sao thiết kế nhà ống ra đời. Toàn bộ căn nhà được tận dụng triệt để, tầng trệt để kinh doanh buôn bán, các tầng còn lại để ở hoặc cho thuê. Những mẫu nhà phố có thiết kế đẹp có thể cho thuê làm nhà hàng hoặc quán cà phê xinh xắn.

Đặc điểm kiến trúc điển hình của thiết kế nhà phố

Đặc điểm của thiết kế nhà phố thể hiện sự sáng suốt và linh hoạt của người Việt khi biết cách tận dụng tối đa nguồn đất. Một mẫu nhà phố thông thường có chiều rộng từ 3m đến 5m, chiều dài bạn cũng có thể coi là chiều sâu của ngôi nhà gấp 5 đến 6 lần chiều rộng. Diện tích của một ngôi nhà ống khoảng trên dưới 25 mét vuông.

Xem xét kỹ hơn cấu trúc bên trong ngôi nhà cho thấy rằng mỗi tầng là một không gian đảm nhận chức năng khác nhau. Tầng trệt có thể để xe, văn phòng cho thuê hoặc phòng khách nhưng luôn có không gian dành cho các thành viên trong gia đình. Các tầng còn lại được sử dụng làm phòng ngủ, phòng khách… Giữa nhà là giếng trời thông gió cho các phòng, nhìn vào thiết kế nhà bạn có thể dễ dàng quan sát được.

Ngoài ra, phần mái nhà hiện nay thường được lợp ngói hoặc đổ bê tông. Các gia đình cũng tận dụng mái bằng bê tông để tạo ra một khu vườn nhỏ trồng rau hoặc hoa ở sân thượng. Và để tạo thêm không gian bên trong ngôi nhà, gác lửng cũng được áp dụng. Gác lửng giống như tầng giữa được chèn vào các tầng có trần cao.

Một vấn đề nữa liên quan đến phong thuỷ mà gia chủ cũng rất cân nhắc khi xây nhà phố, đó là cầu thang. Cầu thang không chỉ được coi là xương sống của ngôi nhà mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho gia đình, đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ. Vì không gian nhỏ nên cầu thang trong nhà phố thường có nhiều lối rẽ.

Theo quan niệm của người Việt, cầu thang là cầu dẫn linh khí đi lên và đi xuống. Do vậy, giữa các bậc thang không được có khoảng cách vì chúng có thể khiến các thành viên trong gia đình gặp nguy hiểm khi di chuyển cũng như phân tán vận khí tốt. Ngoài ra, số lượng các bậc thang rất quan trọng để tạo ra phong thuỷ tốt cho ngôi nhà vì người ta tin rằng mỗi bậc thang tương ứng với từng giai đoạn trong vòng đời “Sinh, Lão, Bệnh, Tử”. Cầu thang tốt nhất nên dừng ở bậc “Sinh”, tránh ở bậc “Tử” vì có thể ảnh hưởng đến tinh thần các thành viên trong gia đình.

< Trở lại

Tin xem nhiều

Tin mới nhất